Nguồn nhân lực lĩnh vực nông – lâm

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐANG KHÁT NGUỒN NHÂN LỰC LĨNH VỰC NÔNG – LÂM

“Cái khó nhất và cũng là niềm trăn trở của các trường Cao đẳng, Đại học ở nước ta là làm sao cho tất cả các sinh viên ra trường đều có việc làm”

         Lâu nay, cái khó nhất và cũng là niềm trăn trở của các trường Cao đẳng, Đại học ở nước ta là làm sao cho tất cả các sinh viên ra trường đều có việc làm. Hiện có rất nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học buộc phải giải thể hoặc sáp nhập vì không tuyển sinh được do hình thức đào tạo không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Zalo
Học sinh Khoa Nông – Lâm thực hành thí nghiệm

Trường Cao đẳng Gia Lai – năm 2020 sau khi được sáp nhập bởi 5 trường Trung cấp và Cao đẳng và trở thành Trường công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh, đào tạo đa ngành nghề, đa trình độ từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đến đào tạo thường xuyên và dạy nghề phổ thông. Trong các ngành đào tạo của Nhà trường thì Nông – Lâm được xem là một ngành “hot” nhưng thực tế cho thấy mấy năm qua nguồn đào tạo quá ít không đủ cung ứng cho thị trường lao động. Năm 2023, Khoa Nông- Lâm tuyển sinh chưa tới 100 HSSV cho cả hai hệ cao đẳng và trung cấp. Đây cũng là trăn trở của Khoa Nông – Lâm. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng do thị trường lao động ít nên sinh viên ra trường không có việc làm? Để trả lời câu hỏi thắc mắc này cũng như giúp người học có một cái nhìn sâu hơn về tiềm năng và thị trường lao động qua việc phân tích và tìm hiểu nguyên nhân cho thấy:

Nước ta là một nước nông nghiệp , có đến 70% dân số lao động trong lĩnh vực này. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Riêng đối với tỉnh Gia Lai có tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp trên 1,40 triệu ha, chiếm 90,3% diện tích tự nhiên, tỷ lệ độ che phủ rừng 40,2%. Những năm gần đây, tỉnh xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một thế mạnh được ưu tiên phát triển và kêu gọi đầu tư. Hiện toàn tỉnh có khoảng 37.592 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; khoảng 233.522 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, Organic… Đặc biệt, toàn tỉnh được cấp 95 mã số vùng trồng với diện tích hơn 6.682 ha và 22 cơ sở đóng gói với công suất từ 665-795 tấn quả tươi/ngày. Nông sản của Gia Lai được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước. Về chăn nuôi gia súc và gia cầm cũng dẫn đầu vùng Tây Nguyên. Điều đó cho thấy, Gia Lai có tiềm năng và lợi thế lớn phát triển nhóm ngành nông – lâm nghiệp, kinh tế nông thôn.

Zalo
Phòng nuôi cấy mô ngành Công nghệ sinh học

Trước tiềm năng trên của tỉnh Gia Lai, nhiều doanh nghiệp, công ty đã không ngần ngại đầu tư phát triển nông nghiệp với quy mô rộng lớn như: dự án trang trai chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên (Thaco); Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG); Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Hưng Sơn; Công ty TNHH MTV Hương Đất; Công ty Cổ phần chè Bàu Cạn; Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku)…. Nhiều công ty, doanh nghiệp ra đời kéo theo thị trường việc làm Gia Lai cũng khá sôi động với thông tin truyển dụng được đăng tải thường xuyên trên các trang điện tử và báo mạng.

Zalo
Học sinh tham quan vườn thực nghiệm

Về phía Nhà trường, nhằm giúp HSSV ra trường có việc làm, Thầy Phạm Văn Điều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai đã nhấn mạnh: “Hằng năm, Trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo, tuyển dụng nguồn lao động. Nhà trường luôn chú trọng đến định hướng đào tạo và đầu ra sau tốt nghiệp. Mục đích hướng đến là giúp các em dù lựa chọn làm việc ở các tỉnh, thành phố lớn hay học xong trở về địa phương vẫn sống tốt với nghề”. Những năm qua, HSSV ra trường của Khoa này hầu như đều có việc làm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp gọi đến nhờ trường giới thiệu giúp những em học ngành Thú y, Bảo vệ thực vật và Công nghệ sinh học… nhưng rất tiếc nguồn đạo tạo cung không đủ cầu.

 

Zalo
Mô hình dạy học ngành Thú y

Như vậy, qua việc phân tích trên cho thấy hiện tại và trong tương lai ngành Nông – Lâm vẫn là ngành “hot” vì thị trường lao động có tiềm năng và rộng mở. HSSV học ngành này không phải lo sẽ bị thất nghiệp. Nông nghiệp Gia Lai đang phát triển theo hướng hữu cơ, đầu tư công nghệ và gắn liền với chuỗi giá trị. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao cho Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *