Phòng - Trung tâm
Tổng quan
GIỚI THIỆU VỀ TRƯỜNG CAO ĐẲNG GIA LAI
1. Thông tin chung về trường
– Tên trường: Trường Cao đẳng Gia Lai
– Tên tiếng Anh: Gia Lai College
– Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai
– Địa chỉ:
+ Trụ sở chính: Khu đô thị Diên Phú, TP. Pleiku, Tỉnh Gia Lai
+ Địa điểm đào tạo: Cách Mạng Tháng 8, Trà Đa, TP. Pleiku, Gia Lai
+ Địa điểm đào tạo: 140- Nguyễn Chí Thanh, Phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai
+ Địa điểm đào tạo: 279- Hoàng Hoa Thám, An Phú, TX. An Khê, Gia Lai
+ Địa điểm đào tạo: 69- Nguyễn Huệ, TX. Ayun Pa, Gia Lai
– Điện thoại: 02693.825001 Fax: 02693.867739
– Website: https://cdgl.edu.vn
– Email: info@cdgl.edu.vn
– Sứ mệnh: Trường Cao đẳng Gia Lai có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, đa nghề, đa cấp độ, đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực theo chuẩn, có đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ chuyên ngành và kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc nhóm và khả năng học tập suốt đời; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung ứng dịch vụ, hợp tác quốc tế,…Đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Tỉnh và Đất nước.
– Tầm nhìn giai đoạn 2020 – 2025: Phấn đấu đến năm 2025 phát triển trở thành Trường đào tạo đa cấp, đa ngành đạt chuẩn chất lượng cao, 15 nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, 01 nghề trọng điểm đạt chuẩn khu vực ASEAN. Xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, dịch vụ.
– Giá trị cốt lõi:
Về hợp tác, phát triển: Hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và thực hành với các cơ sở trong và ngoài nước đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hài hoà lợi ích, cùng có lợi, cùng nhau phát triển.
Về kỷ cương, trách nhiệm: Biểu thị những quy tắc ứng xử có kỷ luật trong dạy – học, không tiêu cực, gian lận trong thi cử, thầy ra thầy, trò ra trò. Luôn có trách nhiệm với bản thân, với nhà trường và cộng đồng, có trách nhiệm cá nhân cho mọi quyết định, mọi hành động trong dạy – học, NCKH, cung ứng dịch vụ có chất lượng và sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.
Về thực hành chuyên nghiệp: Thể hiện bằng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ giao tiếp ứng xử trong khi làm việc, dạy – học; đào tạo theo năng lực, chuyên môn hoá và làm việc theo nhóm, phát huy tư duy phản biện trong cả môi trường giáo dục và thực hành. Thiết lập tiêu chuẩn thực hành cao, thực hành dựa vào sản phẩm công nghệ, phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn đó, thực hành phải theo Luật và đảm bảo an toàn.
Về đạo đức: có phẩm chất mỹ học, có trí tuệ thể hiện ở trình độ chuyên môn, làm chủ trang thiết bị để phục vụ sản xuất, dịch vụ. Lễ phép thể hiện bằng thái độ đúng mực giữa thầy và trò, “Tiên học lễ, hậu học văn”, kính trọng thầy cô giáo, tôn trọng đồng nghiệp, bạn bè.
Về tư duy đổi mới: Luôn năng động, đổi mới, sáng tạo, lãnh đạo để thay đổi, giúp Trường phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội.
Về học tập suốt đời: Mọi viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên cần phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN trong việc đào tạo nhân lực với tinh thần “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Cam kết tất cả mọi hoạt động đều thúc đẩy việc học tập suốt đời.
2. Lịch sử phát triển của trường
Trường Cao đẳng Gia Lai thành lập theo Quyết định số 627/QĐ – LĐTBXH ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập trường Trung cấp Y tế Gia Lai, Trường Trung cấp văn hóa – Nghệ thuật Gia Lai, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Nam Gia Lai, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Đông Gia Lai vào Trường Cao đẳng nghề Gia Lai và đổi tên thành Trường Cao đẳng Gia Lai.
– Trường Cao đẳng nghề Gia Lai: Tiền thân là trường Công nhân kỹ thuật Cơ điện, được thành lập năm 1976. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Gia Lai – Kon Tum được thành lập; lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương thành lập các trường chuyên nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó có các trường đào tạo công nhân kỹ thuật. Tháng 10 năm 1976 Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã quyết định thành lập trường Công nhân kỹ thuật Cơ điện (trực thuộc sở Công nghiệp) và trường Công nhân kỹ thuật Xây dựng (trực thuộc sở Xây dựng). Vào đầu năm 1983, Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum quyết định sáp nhập 2 trường CNKT Xây dựng và CNKT Cơ điện thành lập trường Kỹ thuật Xây dựng – Công nghiệp trực thuộc sở Xây dựng. Tháng 7 năm 1988: Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định chia tách và tái lập hai trường CNKT Cơ điện và trường CNKT Xây dựng thuộc các Sở Công nghiệp và Sở Xây dựng quản lý. Đây là giai đoạn nước ta bước vào thời kỳ đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Hoạt động của nhà trường cũng phải cải tiến chuyển đổi theo để có thể thích nghi với cơ chế thị trường. Học sinh không còn được bao cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt học tập mà phải tự đóng góp, nhà trường cũng phải lăn lộn để tuyển sinh và tìm nơi cho học sinh thực tập. Học sinh ra trường không còn cơ chế phân bổ mà phải tự liên hệ nơi làm việc. Chính trong cơ chế mới mỗi trường có một cách làm để thích nghi và tồn tại. Cũng bắt đầu từ đây theo chương trình đào tạo của Nhà nước ban hành, các trường nâng lên đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề (bậc 3/7). Đầu năm 1992, Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai có Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 13/2/1992 thành lập trường Dạy nghề Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Gia Lai trên cơ sở sáp nhập trường Công nhân kỹ thuật Xây dựng và trường Công nhân kỹ thuật Cơ điện; giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.
– Trường Trung cấp Y tế Gia Lai: Tiền thân từ 2 trường sơ cấp Y tế của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ngày 13/10/1978 Trường Trung học Y tế Gia Lai – Kon Tum được thành lập theo Quyết định số 82/QĐ/UB-TC ngày 13/10/1978 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Đến năm 2009, trường được đổi tên thành Trường Trung cấp Y tế Gia Lai. Hoạt động của nhà trường là đào tạo mới y sỹ tuyến cơ sở, điều dưỡng trung cấp, hộ sinh trung cấp, dược sỹ trung cấp và các loại hình dạy nghề y tế dài và ngắn hạn. Đào tạo lại và đào tạo liên tục cho cán bộ y tế ở các tuyến nhằm thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế. – Trường Trung cấp văn hóa – Nghệ thuật Gia Lai: Thành lập trên cơ sở Trường Trường Trung học Văn hóa – Thông tin Tây Nguyên (đặt tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum, Trường có nhiệm vụ đào tạo học sinh trung học văn hóa – nghệ thuật cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung) – Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Nam Gia Lai: Thành lập trên cơ sở phát triển từ Trung tâm Dạy nghề Ayun Pa. Nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở 3 cấp trình độ cho khu vực Đông Nam tỉnh. – Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Đông Gia Lai: Được thành lập trên cơ sở tiền đề là Trung tâm dạy nghề An Khê. Nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở 3 cấp trình độ cho khu vực Đông tỉnh. Năm 1998, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về Dạy nghề từ Bộ Giáo dục – Đào tạo sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trường chuyển sang trực thuộc Sở Lao động –Thương binh xã hội. Năm 2007, thực hiện Luật Dạy nghề và những quy định của Nhà nước, UBND tỉnh ra Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 27/01/2007 thành lập trường Trung cấp nghề Gia Lai, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ trung cấp. Thực hiện Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 27/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về sắp xếp, chuyển giao chức năng tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông từ Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp tỉnh về Trung tâm Giáo dục thường xuyên và các Trường Dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Nhà trường tiếp nhận và tổ chức Dạy nghề phổ thông cho học sinh các trường phổ thông bậc Trung học trên địa bàn. Ngày 18 tháng 10 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định số 1450/QĐ-LĐTBXH thành lập Trường Cao đẳng nghề Gia Lai trên cơ sở trường Trung cấp nghề Gia Lai.
3. Chức năng – Nhiệm vụ
Trường Cao đẳng Gia Lai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 46/2016/TT-BLĐTBXH; Quyết định 583/QĐ-UBND tỉnh Gia Lai ngày 28/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai về việc Quy định vị trí pháp lý, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính và xếp hạng trường của Trường Cao đẳng Gia Lai, cụ thể như sau:
- Tổ chức đào tạo nhân lực Y tế, Văn hoá – Nghệ thuật và nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định;
- Tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, phê duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình đào tạo đối với từng ngành, nghề được phép đào tạo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh đào tạo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Tổ chức các hoạt động đào tạo; sát hạch, nâng bậc thợ, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và in phôi văn bằng, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Tuyển dụng, quản lý giảng viên, viên chức quản lý, viên chức, người lao động của trường bảo đảm đủ về số lượng, phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
- Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động tài chính; có cơ chế để người học tham gia đánh giá hoạt động đào tạo, giảng viên tham gia đánh giá viên chức quản lý, viên chức và người lao động của nhà trường;
- Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính của trường theo quy định của pháp luật;
- Quyết định thành lập các tổ chức trực thuộc trường theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt trong quy chế tổ chức, hoạt động của trường; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ từ cấp trưởng phòng, khoa và tương đương trở xuống theo quy định;
- Phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động đào tạo về lập kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học;
- Liên doanh, liên kết với các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động;
- Sử dụng nguồn thu từ hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường, chi cho các hoạt động đào tạo và bổ sung nguồn tài chính của trường theo quy định của pháp luật;
- Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất; được hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo hợp đồng đặt hàng; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng theo quy định của pháp luật.